TẾT QUÊ

Bao giờ...cho đến ngày xưa! Cái câu hài hước tréo ngoe ấy nhiều khi lại đúng với tâm trạng của nhiều người. Hình như lớp vỏ cuộc sống giờ đây nhiều phần đã tinh tươm hơn cách đây chừng non thế hệ. Nhưng mỗi khi chộn rộn khí xuân, ai cũng có một khoảng lặng để dọn lòng về với cái thời xưa cũ- nhất là cái tết với người “lỡ” sinh ra trên luống cày, chân rạ.
Chuyện đời cũng lạ, sống ở quê thì mơ được lên thành phố để “đổi đời” chân đất. Ăn tết phố càng nhiều lại thèm cái hương vị chốn quê. Nhất là những anh chàng li hương, dù cuộc sống sang hay hèn, cứ vào độ tháng Chạp lại bắt đầu rạo rực chuyện về quê ăn tết. Lúc này chất quê hương như một thứ nước mắm cố hữu, đậm đặc đến cả tâm cang, tì vị. “Hồn vía” của người quê, chốn quê không chỉ có gốc gác gia đình với luỹ tre, khóm chuối mà dư vị nồng nàn hơn vẫn là không khí ngày tết. Và như một lẽ thường tình, khi nghĩ về cái tết quê nhà chẳng ai nghĩ đến mâm cao, cổ đầy mà luôn gợi nhớ về cái thời “muôn năm cũ”.
Có lẽ người lâu đời sống ở phố chất quê, giọng quê cũng phai nhạt dần. Trẻ em lớn lên nơi phố chợ càng không hiểu người quê, nên nghe ai hoài cổ một chút thì bị qui chụp ngay là “quê mùa”. Bởi cũng dễ hiểu thôi, người có của sống để hưởng thụ vật chất; còn người gốc quê tồn tại được với ấm lạnh cuộc đời là nhờ năng lượng tinh thần. Chỉ cần nhìn qua sinh hoạt ngày tết thì khắc biết. Ở các thành phố lớn, tết đến xuân về là dịp để bầu đoàn thê tử cùng kéo nhau đi du lịch đâu đó, hoặc đến các tụ điểm vui chơi. Ngược lại, người gốc quê ở đâu cũng bươn bả tàu xe để về quê ăn tết. Mà tiếng là “ăn tết”, nhưng thực tế nhiều vùng quê có gì gọi là “đặc sản” để ăn đâu? Cái tết với người quê chính là cơ hội để đoàn tụ gia đình, người thân; là thắp nén nhang lên bàn thờ để “mừng tuổi” gia tiên. Nhà ai ba ngày tết mà thiếu vắng đứa con xa không về- dù trong hoàn cảnh nào- các ông bố, bà mẹ đều thấy kém vui.
Bởi thế, khi sum họp gia đình đông đủ, thường nghe người “cầm chịch” phán một câu muôn thuở: “Có đói cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa”. Cả năm tất bật ngoài đồng, chỉ đợi có mấy ngày tết được sum vầy với con, với cháu. Và “nhất cử lưỡng tiện”, cố sắm một mâm cỗ cúng cho tươm tất- trước lễ ông bà, sau “hậu đãi” đám cháu con tề tựu. Chính cái lòng rất thành ý ấy, nên dù con cháu ở đâu cũng không thể không về. Còn cái gọi là “tươm tất” của mâm cỗ tất niên ấy, với đám cháu con ăn nên làm ra, nhiều khi thấy đã...tội nghiệp! Thường là chú gà trống tréo cổ với vô số thổ sản “cây nhà lá vườn”. Nhưng cái lạ là ai cũng thấy rất ngon miệng, cho dù nhà quê không lắm gia vị, “phụ đề” như trên thành phố...
Nghe người ta bảo nông thôn ngày tết phải có “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, nhưng quê tôi không hề có ý niệm đó. Có lẽ đơn giản vì thời cha ông đất này đã quen với điệp khúc: “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”nên làm gì có cây nêu, tràng pháo. Nhưng “đặc sản bánh” thì không nơi nào có được. Đất quê vốn sẵn nếp ông Bầu, nếp hương và ... chuối sứ. Chừng ấy nguyên phụ liệu quá đủ cho các bà nội trợ phát huy sức sáng tạo để làm ra đủ thứ bánh gói lá chuối. Nào bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh nóc chùa, bánh tổ và v.v... Từ 25 đến 27 tháng Chạp, cả làng cùng nhộn nhịp với việc chọn lá, phơi lá, giã bột, gói bánh. Nhà nào cũng có bếp lộ thiên ngoài vườn, lửa rừng rực suốt đêm. Thôi thì “liên tục phát triển”, hết nấu bánh tét, bánh ú lại quay sang hông bánh tổ, bánh ít. Gặp những năm lạnh nhiều thì không có gì sướng bằng thức đêm để trực nồi bánh. Bên bếp lửa đỏ với vài củ hành nướng, đủ cho một cuộc nhấm nháp kéo dài sáng đêm của mấy chú, mấy chàng.
Thời còn đi học, Có lần tôi hỏi mẹ: Vì sao gọi là bánh ít? Mẹ bảo: Thì nó ít bột ít đường! Ra thế, tên gọi của bánh cũng chân chất như người chốn quê. Hình như cái dẻo thơm của lát bánh cũng thấm đẫm chất hồn hậu của tình bà con, nghĩa làng xóm.
Mấy năm gần đây, thương trường tết cũng đã len lỏi về đến quê tôi. Lớp người như các bà mẹ đau đáu lo chuyện bánh trái ngày tết, cũng đang thưa vắng dần. Các cô dâu trẻ về làng bắt đầu chê cái ngữ bánh “đen thui đen thủi” như người xứ quê. Hoá ra, mấy anh chàng chân bột trước kia, giờ cũng tập tễnh chạy theo nếp sống thị thành. Những ngày giáp tết mà vườn chuối trong làng vẫn còn xanh mượt, chẳng ai màng đến. Mỗi lần về quê ăn tết, tôi lại nhận ra một nét khác ngay trên mâm cỗ cúng. Vị trí của “ông” bánh tét không còn nghễu nghệnh nằm trên bàn thờ gia tiên, mà nhường chỗ cho đĩa quả, bánh khô với hoa hoè, hoa sói. Mấy chị chàng bánh ú, bánh tổ mất vai trò ở giữa mâm cúng, đành lặng lẽ nằm trong rổ rá dưới nhà. Chúng chỉ còn để dỗ dành cho bọn trẻ, chơi nhiều hơn ăn. Khách đến thăm không còn phải lo đi tét bánh mà chỉ cần ‘bộp’ mấy lon bia là đã có một bàn thịnh soạn. Thậm chí mấy hũ rượu thuốc “kinh điển” cứ ngồi bất động, chẳng ai buồn sờ tới. Không khí tết rôm rả hơn Nhưng sao tôi cứ thấy thảng thốt như thiếu vắng cái gì đó giữa đất quê này?
Ừ thôi, cũng phải tự nhủ lòng “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, tiếc nuối làm chi cái thời khốn khó. Vòng quay của đất trời đang chuyển, cái gì thuộc về hoài niệm chẳng thấy đáng yêu? Cứ đặt nó nằm yên trong ngăn ký ức, để cùng tận hưởng khí xuân tươi mới, trong lành của người chốn quê...

Previous
Next Post »