ĐỪNG BAO GIỜ NHÌN LẠI QUÁ KHỨ!

Vì sao những người trẻ hay hụt hẫng, dễ chênh vênh? Ấy là bởi họ hay ngoái nhìn quá khứ. Quá khứ của những người trẻ thì mỏng, thế mà họ cứ thích ngoái trông, họ tưởng rằng có thể rút ra từ đấy những bài học.
Họ nhầm.
Chỉ những người từng trải, nhiều tuổi mới nên hồi tưởng quá vãng. Họ đã  vượt qua các chặng, các mốc quan trọng và nhờ vậy, cái nhìn của họ bình thản và trong trẻo. Người trẻ tuổi nhìn quá khứ bao giờ cũng bị ám ảnh, nhìn không đúng bản chất, nhìn như qua một màn sương, một lớp kính dị dạng. Nhìn, nếu không bằng tâm trong sáng và vô tư, thì không những hồi ức không giúp gì cho hiện tại, không đem lại bài học nào tốt lành, mà còn làm cho hiện tại chao đảo. Mất cân bằng từ đó mà ra.
Vì sao ngoái nhìn quá khứ, ôn lại hồi ức, lại gây hại? Ấy là bởi phần đời quá khứ chưa đủ dày, những câu chuyện những kỷ niệm quá khứ xảy ra chưa lâu, người trẻ tuổi chưa thoát ra khỏi ràng buộc với quá khứ ấy - quá khứ mới mẻ vẫn như một phần của hiện tại - và kinh nghiệm không đủ giúp người ta chọn lựa hướng đi đúng.
Trải nghiệm cho dù đau thương, nếu còn mới nguyên, chỉ khiến người ta lặp lại sai lầm trước theo một cách có khi còn tệ hơn. Phải đủ lâu để tỉnh ra, để bình tâm, điều này người trẻ không có được.
Tuổi trẻ hiện đại hay chao đảo, nối từ sai lầm này sang ngộ nhận khác, vì họ không sống cho hiện tại, không tận hưởng phút giây đang diễn ra, mà cứ thích gặm nhấm chuyện “ngày trước”. Ngày hôm nay dĩ nhiên khác ngày qua, ngày trước đâu có đủ cơn cớ để thành một giá trị; viện dẫn ngày qua để sống ngày nay là bám vào một nhánh cây lung lay sắp gãy.
Để có thể sống quân bình, an tĩnh, hãy tận hưởng cái phút giây hôm nay, phút giây hiện tại, ngày đang lên, giờ đang trải, nắng mưa đang trút xuống, hơi thở đang phập phồng trong lồng ngực. Bàn chân đặt trên đất là đất của hiện tại, bàn chân cũng là bàn chân hiện tại bởi : quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hiện tại mới là tất cả.
Previous
Next Post »